Nguồn gốc Đế_quốc_Đức

Nguồn gốc của Đế quốc Đức là vương quốc Phổ, là vương quốc khởi sinh từ công quốc Brandenburg (tiếng Đức: Kurfürstentum Brandenburg) từ thế kỷ 11. Dưới quyền gia tộc nhà Hohenzollern trị vì xứ Brandenburg, các dân tộc Sla-vơ, chủ yếu là Ba Lan, dần dần bị đẩy lui về dọc bờ Biển Baltic. Những người kháng cự hoặc bị tiêu diệt hoặc trở thành nông nô.

Điểm yếu của Phổ là về địa lý. Do kết quả của các cuộc hôn nhân và thừa kế trong quá khứ, lãnh thổ của vương quốc bị tách rời nhau khắp vùng đồng bằng Bắc Âu. Lãnh thổ xa nhất về phía tây là Công quốc Cleves, nằm dọc bờ Sông Rhine; xa nhất về phía đông là Công quốc Đông Phổ. Brandenburg không có đường đi ra biển, thiếu tài nguyên thiên nhiên, và đất không được màu mỡ. Lãnh thổ vương quốc luôn bị quân Tin lành và Cơ đốc tàn phá và giết chóc.

Tuy nhiên, năm 1640 công quốc đã sản sinh một nhà lãnh đạo kiệt xuất: Tuyển hầu tước (Elector) Friedrich Wilhelm I của Brandenburg. Dù lãnh thổ bị phân tán và nghèo khó, ông đã mơ đến một vương quốc độc lập, đoàn kết và hùng mạnh. Ông tạo dựng một guồng máy đưa Phổ lên hàng đầu ở châu Âu. Ông tổ chức một chính phủ tập trung có năng lực, có kỷ luật, thêm hệ thống bưu điện và biểu thuế lũy tiến. Đến năm 1688, sau 48 năm trị vì, ông đã gây dựng quân đội chính quy với 30.000 người trong tổng số dân chỉ có một triệu.

Các hậu duệ của ông gây dựng tiếp trên nền móng ông đã đặt ra. Đến năm 1701, uy thế của Phổ đã lên đến mức Tuyển hầu tước Friedrich II, con của Friedrich Wilhelm I, không tự mãn với tước hiệu Tuyển hầu tước. Ông muốn trở thành vua. Người có quyền ban tước hiệu này là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh đóng đô ở Viên thì lưỡng lự: nếu phong Friedrich làm vua thì các Tuyển hầu tước của Hannover, BayernSachsen cũng sẽ muốn làm vua. Nhưng Hoàng đế không có chọn lựa khác, cuối cùng phải ưng thuận. Ngày 18/1/1701, Friedrich III tự đội lên đầu chiếc vương miện để trở thành Vua Friedrich I của Phổ.

Năm 1713, Vua Friedrich I qua đời, và con trai là Friedrich Wilhelm I lên kế vị. Có tính cương nghị còn hơn cả người cha và ông nội, vị vua này đặt ra mục tiêu của Phổ là trở nên một cường quốc quân sự. Mọi việc đều theo chiều hướng này: nền kinh tế đủ mạnh để nuôi sống một đội quân hùng hậu, bộ máy hành chính có hiệu năng để tận thu thuế hầu trả đủ lương cho binh sĩ, một hệ thống giáo dục xuất chúng nhằm tạo ra binh sĩ có trình độ. Trái ngược với nước Pháp lo đổ tiền của vào các công trình kiến trúc xa hoa phung phí, Phổ lo xây dựng chỉ với mục đích quân sự: nhà máy làm thuốc súng, lò đúc đại bác, kho vũ khí, doanh trại quân đội. Nhà vua còn đối xử khắt khe với con của ông là Hoàng thái tử Friedrich.[7]

Vào năm 1740, vua Friedrich Wilhelm I qua đời, và Hoàng thái tử Friedrich lên nối ngôi - tức là vua Friedrich II. Chỉ trong vòng vài tháng, vị vua trẻ đã điều khiển đoàn quân – mà ông nội và người cha đã dày công gây dựng – đi đánh trận. Trong sự ngỡ ngàng của châu Âu, ông xâm chiếm tỉnh Silesia, thậm chí gây hấn với Đế quốc La Mã Thần thánh của dòng họ Habsburg. Đấy là chiến dịch đầu tiên trong những chiến dịch xuất chúng khiến cho ông được tôn vinh là Friedrich Đại đế. Người đương thời mến mộ ông và nhà sử học say mê ông.[8]

Vào thời gian này, Phổ đã vươn lên thành một cường quốc quân sự ở châu Âu, nhưng vẫn thiếu tiềm lực cốt lõi. Đất khô cằn, không có khoáng sản; dân số ít ỏi. Không có thị trấn lớn, không có công nghiệp, nền văn hóa thì nghèo nàn. Thậm chí giới quý tộc cũng nghèo túng, và nông dân không có đất canh tác, sống cuộc đời vô cùng cực khổ. Tuy thế, với ý chí sắt đá và thiên tài tổ chức, Vương triều Hohenzollern nỗ lực gây dựng một vương quốc quân sự khắc khổ có quân đội được rèn luyện chu đáo, đánh thắng hết trận này qua trận khác. Họ cũng theo đuổi chính sách ngoại giao mềm dẻo, sẵn sàng liên minh với bất kỳ thế lực nào. Từ đấy, vương quốc mở rộng dần lãnh thổ.

Thế là, một vương quốc vươn lên theo cách giả tạo,[cần dẫn nguồn] chỉ biết đi thôn tính,[cần dẫn nguồn] giữ mối gắn bó qua quyền hành chuyên chế của quân vương, qua bộ máy cai trị có đầu óc hẹp hòi và qua quân đội có kỷ luật một cách tàn bạo. Hai phần ba, và có lúc năm phần sáu, ngân sách cả nước đổ dồn cho quân đội, và dưới quyền chỉ huy của quân vương, quân đội tự nó trở thành một vương quốc. Điều này khiến cho Mirabeau nhận xét: Phổ không phải là một quốc gia có quân đội, mà là một đội quân có quốc gia. Cả vương quốc hoạt động như là một cỗ máy mà nhân dân là những đinh ốc, chỉ biết phục tùng, làm việc và hy sinh.